Tân Long vùng đất phèn “Nở hoa”
Nếu như Mười năm trước, nhắc đến xã Tân Long, thị xã Ngã Năm nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một vùng đất trũng phèn, sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nhưng hôm nay vùng đất này đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, với thu nhập bình quân 01 ha đất sản xuất nông nghiệp gần 150 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống chỉ còn dưới 02%. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ việc đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

    Nhìn vườn ổi của gia đình, anh Huỳnh Việt Trung ở ấp Long Hòa, xã Tân Long cho biết, anh trồng hơn 5.000 gốc ổi, với diện tích hơn 2,5 ha. Theo đó với kinh nghiệm sản xuất gia đình đã xử lý cho trái quanh năm, trừ chi phí bình quân thu nhập 01 ha gần 250 triệu đồng/năm. Anh chia sẻ: “Lúc ban đầu thì làm sản xuất lúa, năng suất cũng trên 01 tấn/ công, nhưng trừ chi phí, lợi nhuận để cho gia đình chi tiêu không đủ; từ đó tôi mới suy nghĩ làm thế nào tăng giá trị của đất mình lên, qua học hỏi nhiều nơi nên quyết định chuyển đổi sang trồng ổi”.

Mô hình trồng ổi của anh Huỳnh Việt Trung.

    Anh Trung đến vùng đất Tân Long lập nghiệp vào năm 2009, khi ấy nơi đây là vùng trũng, phèn; thay vì chọn sản xuất lúa, anh quyết định trồng cây ổi để lập nghiệp. Ban đầu anh chuyển đổi 03 công đất vườn tạp để trồng ổi xen canh cây ớt, với phương châm lấy ngắn nuôi dài. Nhờ sự quyết tâm chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật, nên vụ thu hoạch đầu tiên cho lợi nhuận khá. Với kinh nghiệm sẵn có, cộng với tính cần cù, nên đã tích lũy đến năm 2017 anh mua thêm được gần 02 ha đất ruộng mở rộng vườn ổi. Để đảm bảo đầu ra cũng như giá cả ổn định của trái ổi, anh trồng theo hướng hữu cơ để được doanh nghiệp bao tiêu và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm riêng của mình. Anh Trung cho biết thêm: “Bây giờ thị trường thì mình không lo, hiện tại giá ổi cân bán thì được 10.000 đồng/kg, có những khi lái đặt hàng ổi ngon, tôi nhận hàng có giá 25.000 đồng/kg, hiện tại cũng đang hướng phát triển thêm diện tích 2,8 ha, đồng thời xây dựng thương hiệu ổi Trung - Liễu”.

    Còn đối với ông Lê Văn Tiết - Hộ chăn nuôi vịt “chạy đồng” lâu năm ở ấp 18, xã Tân Long phấn khởi khi việc chăn nuôi của gia đình thuận lợi. Bởi từ khi được ngành chuyên môn thị xã hướng dẫn thực hiện quy trình chăn nuôi theo hướng VietGap và được cấp giấy chứng nhận VietGap trên trứng vịt, việc kinh doanh mua bán của gia đình từng bước phát triển. Với gần 7.000 con vịt được nuôi nhốt (nuôi rọ) trên sàn, trung bình một ngày thu được từ 4.000 - 5.000 trứng, với giá bán được doanh nghiệp bao tiêu từ 2.000 đồng/trứng trở lên, trừ chi phí xong gia đình lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng. Đang thu trứng vịt giao cho doanh nghiệp, ông Lê Văn Tiết phấn khởi nói: “Khi tôi quyết định thực hiện mô hình này, mọi người xung quanh ai cũng cười tôi vì làm vậy khác so với nuôi truyền thống và tốn kém chi phí. Nhưng khi đưa lên nuôi nhốt thì vịt đẻ rất tốt, cao hơn so với nuôi thả lan (chạy đồng) từ 20 - 30 %, thêm nữa là mình được nhàn rỗi, có thời gian lo công việc khác của gia đình”.

Mô hình nuôi vịt theo hướng VietGap của ông Lê Văn Tiết.

    Những năm qua, cùng với sự hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật thì Ủy ban nhân dân xã Tân Long còn đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với thương hiệu và xây dựng chuỗi giá trị, giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Ước tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 55 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn dưới 02%. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làm ăn đạt hiệu quả, đóng góp trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Điển hình như doanh nghiệp An Cư, với sản phẩm Gạo sửa An Cư nổi tiếng được chứng nhận OCOP hạng 3 sao, đã đóng góp gần 700 triệu đồng để xây dựng lộ nông thôn. Ông Trần Văn Cư - Chủ doanh nghiệp Gạo sửa An Cư, xã Tân Long, bộc bạch: “Khi có công trình đi qua, Nhà nước vận động hiến đất, hoa màu và vật kiến trúc thì tôi rất đồng tình ủng hộ; đồng thời vận động những hộ xung quanh thực hiện, với phương châm để bà con hiểu được lợi ích khi có tuyến đường sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế rất nhiều”.

    Năm 2015, xã Tân Long hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và triển khai thực hiện nâng chất xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trên nền tảng sẵn có. Theo đó Đảng ủy - Ủy ban nhân dân xã xác định, để xây dựng xã nông thôn mới nâng cao thành công thì nhiệm vụ trước tiên là cần tập trung chỉ đạo vào khâu sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, để từ đó vận động nguồn lực từ Nhân dân góp phần hoàn thiện hơn cơ sở hạ tầng ở địa phương. Ông Nguyễn Văn Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Tân Long, cho biết: “Đến thời điểm hiện nay, hộ nghèo của xã đạt dưới 02%, trong thời gian tới Đảng ủy tiếp tục chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất, giúp nông dân tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích. Đồng thời phát huy những mô hình sẵn có như: nuôi gà nòi thả vườn, nuôi lươn sinh sản, nuôi bò và chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân”.

    Có thể thấy vùng đất trũng phèn ngày nào nay đã thay da đổi thịt nhờ vào những chính sách quyết liệt của chính quyền, cộng với ý chí, quyết tâm của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Và phấn khởi hơn, khi xã Tân Long vừa hoàn thành hồ sơ thủ tục gửi cấp thẩm quyền công nhận hoàn thành xã Nông thôn mới nâng cao đầu tiên trên địa bàn thị xã Ngã Năm./.

Tuấn Phi
  • Hoi cuu Cong an nhan thi xa Nga Nam dai hoi lan thu nhat nhiem ky 2024-2028 (22/04/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 165
  • Trong tuần: 2 442
  • Tất cả: 1365211
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
     
    CỔNG THÔNG TIN ĐIÊN TỬ THỊ XÃ NGÃ NĂM, TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa Chỉ: Khóm 3, Phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng
    Điện Thoại: 02993 869906 - Fax: 02993 869940 - Email: thixann.huyennn@soctrang.gov.vn
    Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử thị xã Ngã Năm" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.