Kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2021): Tờ báo cũ nối dài ký ức
Những tờ báo cũ đã ngã màu vàng úa. Những nét chữ, hình ảnh cũng đã nhạt nhòa. Nhưng ký ức về Tờ báo Chiến đấu Sóc Trăng của những người từng một thời gắn bó vẫn còn nguyên vẹn, tươi nguyên như là chuyện mới hôm qua.
Ra đời từ những ngày đầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Tờ báo Chiến đấu nay là Báo Sóc Trăng hình thành phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng; ra sức tuyên truyền, kêu gọi mọi người vì độc lập tự do của dân tộc. Đây là tờ báo được xem là bộ mặt và là tiếng nói của Đảng bộ trong tình hình những năm 1962. Tờ báo Chiến đấu trở thành một trong những cơ quan ngôn luận quan trọng phổ biến, hướng dẫn thường xuyên về đường lối, chủ trương của Đảng, về tình hình và phong trào cách mạng của tỉnh nhà, của cả nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Trong những năm tháng đó, việc viết bài, in ấn và phát hành tờ báo không chỉ vất vả mà còn có cả hiểm nguy.
 
Trong chiến tranh, mỗi nhà báo phải là một chiến sĩ tay viết, tay súng. Để có tin, bài, ảnh, phóng viên phải xông ra chiến trường, phải ra trận như một người lính. Phải cùng đội vũ trang tuyên truyền ra vùng địch tạm chiến, ra mũi bao vây đồn bốt để làm công tác binh vận, dân vận. Gắn bó với Tờ báo Chiến đấu từ những ngày đầu thành lập, phóng viên Trần Văn Miêng cho biết, phóng viên đi phong trào có khi hàng tháng mới về tòa soạn một lần, thậm chí lâu hơn nếu chiến trường chia cắt. Thời điểm ấy, địch đã đóng gần 700 đồn bốt, cả tỉnh chỉ còn khoảng 10 ấp giải phóng và tranh chấp, căn cứ địa cách mạng là lòng dân chứ không chỉ dựa vào địa hình như ở vùng rừng núi, cao nguyên. Xã này qua xã khác phải vượt qua đồn bốt và hệ thống kìm tề ấp, tề xã. Trong điều kiện như vậy, họat động báo chí cực kỳ khó khăn. Phóng viên đi phong trào gửi tin, bài về tòa soạn bằng đường giao liên. Ban Biên tập chỉ đạo tác nghiệp phóng viên cũng bằng cách ấy.
 
Nhà in Báo Chiến đấu lúc bấy giờ trực thuộc Tỉnh ủy là đơn vị độc lập vừa in báo Đảng vừa in mọi ấn phẩm tài liệu thông tin tuyên truyền khác của tỉnh. Có lúc nhà in và tòa soạn đóng ở 2 nơi cách nhau hàng chục cây số. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, kể cả những năm bình định ác liệt, đồn giặc đóng dày đặc nhưng nhà in Chiến đấu tồn tại và hoạt động liên tục như một thách thức đối với kẻ thù. Báo Chiến đấu, tài liệu, truyền đơn vẫn thường xuyên được xuất bản, tái bản. Về kỹ thuật in ấn, các ấn phẩm của nhà in Chiến đấu đã nổi tiếng cả vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Mọi công đoạn từ sắp chữ, lên trang, đặt giấy, kéo mực, chèn bản gỗ minh hoạ hoặc chữ tựa đều hết sức tỉ mỉ, công phu. Sơ ý một chút, có thể làm đổ cả trang chữ chì đã lên khuôn xuống sàn nhà. Công nhân làm việc đêm phải ngồi trong mùng để tránh muỗi đốt dưới ánh sáng nhạt nhòa của đèn dầu hoặc đèn cầy. Trong hoàn cảnh như thế, nhưng với quyết tâm của những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng dù khó khăn, đối diện với hiểm nguy nhưng Tờ báo Chiến đấu vẫn được cập nhật đầy đủ thông tin, viết nên những bài báo hay, những trang tin đẹp để nung nấu tinh thần chiến đấu anh dũng của chiến sĩ.
 
Họa sĩ Lê Quý chia sẻ: Tờ báo lúc bấy giờ được in chữ chì, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm đấu tranh gian khổ, tỉnh nhà có một tờ báo của Đảng bộ in chữ chì, nói về mặt hình thức nó không thua báo thành bao nhiêu. Những bản in đầu tiên được gửi về khu Tây Nam bộ, Khu ủy và Ban Tuyên huấn khu đánh giá ở thời điểm đó chỉ có Sóc Trăng là in chữ chì đẹp nhất. Đặc biệt là số báo Chiến đấu xuân Quí Mão 1963, Tờ báo xuân in chữ chì, bìa 4 màu với bảng in khắc gỗ, vẽ hình cô du kích trẻ vai khoác súng các-bin đang gài chông, diệt địch..., ruột in đen với những hàng tít và minh họa chen màu. Riêng chữ tựa và hình minh họa, tranh vui, châm biếm… tất cả đều là những bảng gỗ đóng thủ công. Do các đồng chí công nhân làm rất công phu và khéo léo nên tờ in xong trông rất đẹp mắt. Nhìn tờ Chiến đấu xuân Quí Mão dày 24 trang, với số lượng 1000 tờ, lần đầu tiên một sản phẩm tự mình làm ra đạt chất lượng cao, số lượng lớn anh chị em ai cũng vui mừng.
 
Đội ngũ phóng viên, họa sĩ, cán bộ nhà in Tờ báo Chiến đấu
 
Viết bài, thiết kế hình ảnh, in ấn đã khó. Công việc phát hành báo lại càng khó rất trăm bề. Trong bối cảnh chiến tranh ác liệt, làm thế nào để phát hành báo đến với nhân dân, chiến sĩ mà không làm cho địch phát hiện cơ sở in ấn và nội dung tờ báo là vấn đề rất quan trọng, đòi hỏi những người làm báo lúc bấy giờ phải tính toán hết sức thận trọng. Ông Huỳnh Thanh Ân - nguyên Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Sóc Trăng chia sẻ, do thay đổi địa điểm nhằm tránh địch phát hiện, nhà in có lúc ở Ninh Thạnh Lợi, Vĩnh Hưng của tỉnh Bạc Liêu, có lúc ở Tân Long, Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng nên việc vận chuyển tài liệu, thơ báo, ấn phẩm từ nhà in về cơ quan báo chí, tuyên huấn hết sức khó khăn. Mỗi tờ báo được phát hành thật sự là món quà vô giá đối với anh em làm báo đối với đồng chí, đồng bào trong toàn tỉnh. Tờ báo trong thời chiến trên chiến trường Sóc Trăng để đến với người đọc là máu thịt của bao người. Bộ phận tiếp liệu phải tổ chức đường dây mua giấy, mực và các vật tư ngành in. Bộ phận giao liên bằng bất cứ giá nào cũng nối đường dây thông suốt từ Trung ương đến địa phương từ Tỉnh ủy đến từng chi bộ đảng viên. Thế nhưng dù khó khăn, hiểm nguy thì các nhà báo cách mạng vẫn ngày đêm xung phong ra tuyến lửa; sống, chiến đấu như người lính, cùng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì vậy mà số lượng 2.000 tờ báo được phát hành sau 15 ngày hoặc 1 tháng đã cho thấy quyết tâm của tập thể “Chiến đấu” lúc bấy giờ.
 
Chiến tranh đã lùi xa, Tờ Chiến đấu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng. Đến năm 1992, Báo Chiến đấu chính thức đổi tên là Báo Sóc Trăng và mang thêm những nhiệm vụ mới để phục vụ tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân, không chỉ trong tỉnh mà cả những người dân trong và ngoài nước. Báo Sóc Trăng phát hành mỗi tuần 3 kỳ tiếng Việt và 1 kỳ tiếng Khmer, số lượng phát hành mỗi kỳ trên 5 ngàn tờ. Từ Tờ báo Chiến đấu trong chiến khu đã phát triển và lớn mạnh không ngừng, không chỉ có tờ báo in mà còn có cả báo điện tử... đưa tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đến với độc giả trong nước và quốc tế, tích cực góp phần phục vụ Đảng và nhân dân.
 
Mấy mươi năm trôi qua, những tờ báo xưa vẫn còn được lưu giữ cẩn thận, những người làm báo trân quý xem như báu vật, là tài sản vô giá mà không thể nào mua được. Đọc lại tờ báo cũ như một cử chỉ tri ân đối với các nghệ sĩ, phóng viên mà còn cho thấy sức sống của những trang báo, những câu chuyện, những hồi ức xưa cũ sẽ được nối dài mãi trong đời sống hôm nay, trong câu chuyện hôm nay và cả ngày mai. 
 
Phương Anh 
 
Thông báo
Báo cáo - thống kê
Videos

 

lượt truy cập
  • Tất cả: 77279950

Cơ quan chủ quản: UBND tỉnh Sóc Trăng - Điện thoại: 0299.3822339 - Fax: 0299.3820473 - Email: phonghanhchinh-soctrang@chinhphu.vn
Đơn vị quản lý: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng
Giấy phép số 01/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông cấp ngày 22/9/2021.
Điện thoại Ban biên tập: 02993.626252 - Email: banbientap@soctrang.gov.vn
Địa chỉ: 56 Lê Duẩn - Phường 3 - Tp Sóc Trăng.
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.