29/10/2024
Bồi dưỡng kỹ năng sống cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, ngoài việc triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, đã giúp được nhiều hộ thoát nghèo bền vững; Tỉnh ủy - UBND tỉnh, quan tâm chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành cùng chính quyền địa phương trong toàn tỉnh, tập trung triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em vùng dân tộc, nhằm giúp các em tự tin, hòa nhập và tiếp cận các cơ hội học tập, việc làm trong tương lai.
Thị xã Ngã Năm, là địa phương đi đầu trong việc triển khai thực hiện trang bị kỹ năng sống cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, mà chủ yếu là địa bàn xã Vĩnh Quới, nơi có đông đồng bào khmer sinh sống của thị xã. Ông Huỳnh Văn Lơ, Thị ủy viên - Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết: từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã đã phối hợp với Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, Đào tạo nghề Gia Phước Hưng của Sóc Trăng, tổ chức thực hiện 2 lớp đào tạo kỹ năng sống cho 230 học viên, là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Tại các lớp kỹ năng sống, học viên được nghe các giảng viên trường Đại học Cần Thơ truyền đạt về lòng biết ơn, chăm sóc và bảo vệ bản thân, quản lý cảm xúc, xây dựng tác phong lịch sự, cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả và an toàn, các bước sơ cấp cứu khi bị chấn thương...
Giảng viên truyền đạt kỹ năng sống cho học sinh
Tham gia lớp kỹ năng sống lần này, các học sinh dân tộc Khmer ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm phấn khởi vì qua học tập các em hiểu thêm được nhiều vấn đề trong các giao tiếp, ứng xử và định hướng được tương lai. Em Trần Đông Nhi, học sinh lớp 7 Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Quới cho biết: khi tham gia lớp học kỹ năng sống, bản thân áp dụng được nhiều trong cuộc sống như, không còn rụt rè trước đám đông, giúp em tự tin hơn trong giao tiếp ngoài xã hội. Đặc biệt, khi tham gia lớp kỹ năng sống đã giúp bản thân em giao tiếp tốt hơn, kết nối với bạn bè và thầy cô, tạo ra môi trường học tập tích cực. Bên cạnh đó, bản thân còn biết cách diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc, tự tin hơn trong học tập. Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, cũng như lãnh đạo Phòng Dân tộc thị xã và ngành chức của thị xã có liên quan, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2022 - 2024 trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn 1.030 tỷ 878 triệu đồng. Tỉnh đã tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các nội dung thành phần, tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình. Đến nay, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho hơn 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ, triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, xây dựng 171 công trình phục vụ phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng trên địa bàn thị xã Ngã Năm, trong năm 2024 này vốn 03 chương trình mục tiêu quốc gia được trên đầu tư là 21 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn từ ngân sách của Trung ương và tỉnh là 16,5 tỷ đồng, nguồn vốn của thị xã là 4,5 tỷ đồng. Kết quả đến nay, đã giải ngân được trên 13 tỷ đồng, đạt gần 93% kế hoạch vốn; trong đó vốn chương trình nông thôn mới đã giải ngân được 5,5 tỷ đồng, vốn giảm nghèo bền vững giải ngân gần 5 tỷ đồng và nguồn vốn phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giải ngân được gần 3 tỷ đồng.
Giảng viên hướng dẫn các bước sơ cấp cứu khi bị chấn thương
Thời gian tới, ngoài việc ngoài triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng nói chung và thị xã Ngã Năm nói riêng, tiếp tục quan tâm đến nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí; trong đó tăng cường truyền đạt kỹ năng mềm, kỹ năng sống nhằm giúp thanh niên, trẻ em dân tộc thiểu số phát huy tối đa tài năng, học tập tốt, phát huy tính sáng tạo, nâng cao nguồn nhân lực,… hướng tới xây dựng vùng đồng bào dân tộc ngày càng giàu đẹp hơn./.
Văn Tá