Lòng dân Ngã Năm với Bác
Dù chưa một lần gặp Bác giữa đời thực, cũng chưa từng có một lần đến Thủ đô viếng lăng Bác nhưng hình ảnh Bác luôn trong tâm khảm những người dân quê chân chất, yêu ruộng đồng, yêu quê hương đất nước ở thị xã Ngã Năm. Ông Huỳnh Văn Mười, ngụ ấp Tân Bình, xã Long Bình là một người như thế.

Nhiều người dân miền Tây biết đến ông vì ông là người với lòng tôn kính vị cha già dân tộc đã dành tâm huyết xây dựng nên “Nhà thờ Bác” để những ai không có điều kiện ra Thủ đô vẫn có thể viếng Bác ngay giữa miệt sông nước Ngã Năm.

    Nặng ân tình với Bác…

Cách trung tâm thị xã 05 km, “Nhà thờ Bác” của ông Huỳnh Văn Mười, sinh năm 1935 (mà người dân quen gọi bằng hai từ Mười Thỏ) nằm cạnh tuyến Quốc lộ 61B, được ông thiết kế như một ngôi đền nhỏ. Ngay tại lối vào, dòng chữ “Hồ Chí Minh” được ông Mười dựng ngay trên trước nhà để ai cũng có thể nhìn thấy đầu tiên trước khi bước vào. Dưới dòng chữ là tượng Bác gắn liền với những cánh sen. Ông Mười bộc bạch, hình ảnh ấy là thông điệp mà ông muốn qua đó gửi gắm đến mọi người đoạn thơ ngắn mà mỗi người Việt Nam đều thuộc nằm lòng: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Tôi ghé thăm “Nhà thờ Bác” tại gia trang của ông Mười vào một ngày trung tuần tháng 7. Tại đây, sau khi cùng ông thắp nén hương cho Bác, trong câu chuyện “Nơi thờ Bác tại chính ngôi nhà của mình” ông Mười miên man theo dòng ký ức của hơn 40 năm trước. Ông lời rằng trước giải phóng, cuộc sống của gia đình ông gian nan lắm, tài sản quý giá nhất mà vợ chồng ông có được là khoảnh đất lung phèn quanh năm chỉ canh tác 01 vụ lúa duy nhất. Ông Mười bộc bạch, dẫu sống trong khó khăn trăm bề, cái chết luôn thường trực vì đạn bom của địch qua những trận càn quyết ác liệt nhưng ông cũng như biết bao người con ở khu vực Ngã Năm, âm thầm làm giao liên tại quê nhà giúp quân ta đánh địch: “Nhờ gắn bó với người lính bộ đội Cụ Hồ nên tôi biết nhiều điều về Bác, vị lãnh tụ kính yêu không chỉ của tôi mà là của cả dân tộc”. Như bao người con ưu tú, nặng tình yêu quê hương đất nước, từ cái thuở nguy nan ấy, ông Mười ấp ủ ước mơ được một lần ra thủ đô thăm Bác. Khát vọng ấy trong ông cháy bỏng như niềm mong ước của Bác được một lần vào thăm đồng bào miền Nam ruột thịt!

Ông Mười thắp hương trước tượng Bác Hồ.

Thời gian thấm thoát trôi đi. Trong nỗi buồn đất nước bị chia cắt, không buông xui, mặc kệ; những nông dân yêu nước như ông Mười lặng lẽ góp hết sức mình phụng sự cho cuộc trường chinh giải phóng đất nước của toàn dân tộc, để giấc mơ Nam - Bắc là một nhà sớm thành hiện thực. Trong suy nghĩ giản đơn của người nông dân, lúc bấy giờ, ông tin chỉ có sớm thống nhất đất nước thì ông mới sớm có cơ hội được gặp Bác: Tôi và anh em đồng đội cũng mong, thương Bác mà không gặp Bác được thì hay Bác mất rồi bây giờ anh em cũng buồn, chia sẻ với nhau mà không biết làm sao. Ngày ấy, tôi như nhiều người, lúc nhận được tin Bác ra đi, chúng tôi không cầm được nước mắt”.

    Xứng danh địa chỉ đỏ Thương nhớ Bác…

Nặng lòng trước tình cảm Bác dành cho non sông đất nước và lòng dân miền Nam, từ năm 1969, ông Mười mong ước sau này khi quê hương được giải phóng, ông sẽ xây dựng “Nhà thờ Bác” ngay trên chính ngôi nhà của mình. Mãi đến năm 1975 khi 02 miền Nam - Bắc hòa làm một, khi kinh tế gia đình đã tạm ổn, sau quá trình dài chắt chiu từng đồng từ các vụ mùa, vậy là ông Mười bắt tay thực hiện tâm nguyện của mình: xây dựng “Nhà thờ Bác Hồ” trong 5 năm đầu và đến hôm nay ông vẫn muốn tiếp tục xây dựng.

Ông Mười đang lau ảnh Bác Hồ trong "Nhà thờ Bác".

Ông Trần Minh Thi người dân ấp Tân Bình, xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, cho biết: Từ khi xây dựng đến nay, du khách gần xa và bà con ở địa phương, đặc biệt các em học sinh mỗi khi đến tham quan Khu du lịch sinh thái Vườn Cò, đều vào thắp hương tưởng niệm Bác. “Tấm lòng của Bác Mười dành cho Bác Hồ đã giúp cho tôi cùng các bạn trẻ luôn khắc sâu, luôn ghi nhớ tình cảm mà Bác Hồ đã dành cho quê hương Việt Nam. Điều đó giúp chúng tôi ý thức chính sự hy sinh của Bác mà chúng ta mới có cuộc sống thanh bình như hôm nay. Việc làm của Bác Mười là cách giáo dục truyền thống thiết thực cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau”.

Trong cái nắng chiều khi những chú chim, cò còn ríu rít trên những ngọn tre mà khuôn viên “Nhà thờ Bác” trông ấm cúng lạ thường. Càng hiểu sâu về ông Mười, Tôi càng trân trọng ở ông một tấm lòng người dân thuần hậu, đạo đức. Do thời cuộc và xô đẩy của cuộc sống mà các con của ông Mười không được học đến nơi đến chốn. Dầu vậy, các con học theo Cha sống rất gương mẫu, hiếu thảo. Riêng các cháu của ông thì siêng năng và đạt được thành tích tốt trong học tập.

Ông Mười đang chăm sóc vườn Thanh Long.

Ông Mười nay đã qua tuổi 80. Ở độ tuổi xế chiều ấy nhưng trông ông rất khỏe khoắn. Hằng ngày ông theo gương Bác, đều đặn tập thể dục dưỡng sinh mỗi sáng để thân thể được tráng kiện. Tập thể dục xong, ông Mười chăm sóc vườn Thanh Long sau nhà. Và đặc biệt, ngày ngày ông luôn dành thời gian buổi chiều để nghe thời sự, ghi chép lại những câu nói về Bác.

Hơn 30 năm qua, (từ khi xây dựng đến nay) “Nhà thờ Bác Hồ” tại địa chỉ nhà ông Huỳnh Văn Mười luôn là nơi tôn kính, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng gắn liền với cuộc sống của người dân Ngã Năm, nhất là thế hệ trẻ hôm nay./.

Tuyết Nhung
  • Hoi cuu Cong an nhan thi xa Nga Nam dai hoi lan thu nhat nhiem ky 2024-2028 (22/04/2024)
1 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 4 714
  • Tất cả: 1367483
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
     
    CỔNG THÔNG TIN ĐIÊN TỬ THỊ XÃ NGÃ NĂM, TỈNH SÓC TRĂNG
    Địa Chỉ: Khóm 3, Phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng
    Điện Thoại: 02993 869906 - Fax: 02993 869940 - Email: thixann.huyennn@soctrang.gov.vn
    Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử thị xã Ngã Năm" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.